Sự nóng lên quá nhanh của Trái đất chính là mối đe dọa lớn nhất
Sự nóng lên quá nhanh của Trái đất chính là “mối đe dọa lớn nhất” đối với sức khỏe con người và hệ lụy từ tình trạng này sẽ không thể đảo ngược, nếu thế giới không hành động khẩn cấp. Đó là cảnh báo của trái đất đến con người, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện.
Theo thống kê, số trẻ nhỏ mắc hen suyễn do chất lượng không khí kém ngày càng tăng và người hơn 65 tuổi chết do các đợt nắng nóng tăng hơn 50% trong 20 năm qua.
Trái đất nóng lên khiến các loài côn trùng mang mầm bệnh vốn trước kia chỉ sống ở các khu vực nhiệt đới, nay di cư và đem theo nguy cơ dịch bệnh đi xa hơn.
Các nhà khoa học cho rằng, các nước đã giành ngân sách lớn chưa từng thấy để ngăn chặn dịch Covid-19 thì cũng cần có nỗ lực tương tự để ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, các nước hiện chưa ưu tiên đủ nguồn lực cần thiết để ứng phó biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường sống.
Theo Quỹ từ thiện Clean Air Fund, khoản đầu tư cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trên thế giới vẫn lớn hơn kinh phí cho các dự án làm sạch không khí.
Mức chi dưới 1% trong quỹ phát triển của các nước cho các dự án làm sạch không khí là còn quá khiêm tốn, nếu so với hậu quả từ ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo Liên hợp quốc, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến ít nhất 7 triệu người chết mỗi năm, cứ 10 người trên thế giới có 9 người đang hít thở không khí có hại.
Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế công bố, chi phí để xử lý những hệ lụy tiêu cực của hoạt động sản xuất nhựa trên thế giới, tính riêng năm 2019 đã lên tới 3.700 tỷ USD, cao hơn cả GDP của Ấn Độ.
Với khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm, trái đất sẽ sớm bị nhấn chìm. Nếu chúng ta không sớm có những hành động quyết liệt thì đến năm 2050, rác thải nhựa trong các đại dương sẽ nhiều hơn cá.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cảnh báo, nguy cơ từ biến đổi khí hậu có thể vượt xa nguy cơ từ bất cứ loại dịch bệnh nào.
Nhờ vắc-xin, đại dịch Covid-19 có thể sẽ chấm dứt, nhưng đến nay vẫn chưa có “vắc-xin” nào cho cuộc khủng hoảng về khí hậu. Những hệ lụy từ biến đổi khí hậu hiện đã ở mức nguy cấp và thế giới không thể vì tập trung chống dịch mà lơ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường.