Hướng dẫn thu gom rác thải, thoát nước thải khu dân cư và đô thị
Từ ngày 10/02/2022, theo Thông tư số 15/2021/TT-BXD về việc hướng dẫn công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom chất thải, thoát nước thải khu dân cư tập trung và khu đô thị do Bộ Xây Dựng ban hành ngày 15/12/2021 chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, việc đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị theo từng lưu vực thoát nước.
Ngoài ra, việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ và bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải. Bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Cũng theo nội dụng Thông tư 15 thì Bộ Xây dựng khuyến khích các đơn vị thi công sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, nhất là với các tuyến cống cấp 1 tại các khu vực đô thị cũ có mật độ giao thông cao.
Ủy ban Nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước chung hiện có tại các đô thị, khu dân cư tập trung thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng (xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao, cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung).
Riêng đối với các khu đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.
Trong khi đó, việc đấu nối hệ thống thoát nước phải đáp ứng các yêu cầu như: Đô thị, khu dân cư tập trung có hệ thống thoát nước riêng và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, nước thải sinh hoạt của các hộ thoát nước được nối trực tiếp vào hộp đấu nối. Trường hợp nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước chung thành hệ thống thoát nước riêng, chủ sở hữu công trình thoát nước căn cứ vào hiện trạng và điều kiện thoát nước tại khu vực nâng cấp, cải tạo để quyết định việc duy trì bể tự hoại.
Cống thoát nước thải của hộ thoát nước phải nối với hộp đấu nối hoặc công trình thoát nước thải khác tại khu vực chưa có hộp đấu nối. Cống thoát nước mưa của hộ thoát nước phải nối cố định vào hộp đấu nối thoát nước mưa, kênh, mương hoặc cống thoát nước mưa khu vực.
Đối với nước thải chưa được xử lý phải đấu nối vào cống thu gom của hệ thống thoát nước, không được để thấm xuống dưới lòng đất hoặc chảy vào các nguồn nước khác; Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị, khu dân cư tập trung phải được thu gom, xử lý sơ bộ đáp ứng quy định của đô thị hoặc quy định của chính quyền địa phương trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải; nước thải sau xử lý tại chỗ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc yêu cầu về bảo vệ môi trường theo từng loại nước thải trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải.
Nội dung Thông tư số 15/2021/TT-BXD cũng nêu rõ trách nhiệm của đơn vị thoát nước là xây dựng quy trình quản lý kỹ thuật, vận hành, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành của hệ thống thoát nước và đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới theo lưu vực quản lý với cơ quan chuyên môn về thoát nước. Đồng thời, định kỳ bảo trì, theo dõi, giám sát công trình thu gom, thoát nước thải, nước mưa và các công trình khác của hệ thống thoát nước.
Theo Kinhtemoitruong