Bức Bí Với Rác Thải Tại Các Tỉnh Có Khu Du Lịch

Mới đây, tại các địa phương có phát triển ngành du lịch đều có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải song do thiếu kinh phí nên vẫn chưa triển khai hoặc dừng hoạt động.

Hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận xem du lịch là kinh tế mũi nhọn, riêng Khánh Hòa đang mở rộng du lịch vào phía Nam là huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh; ra phía Bắc là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, 2 tỉnh này đang gặp khó khăn rất lớn trong việc xử lý chất thải.

Các bãi rác thải quá tải

Ngày 24-9, ông Trần Ngọc Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – cho biết bãi rác Dốc Ké (xã Vạn Thắng) năm nào cũng quá tải, phải mở rộng một vài hecta để chôn lấp tạm thời nên huyện rất cần một nhà máy xử lý rác.

Theo ông Khiêm, hiện mỗi ngày có khoảng 60 tấn rác của cả huyện Vạn Ninh tập trung về bãi rác Dốc Ké. Sau nhiều năm, bãi rác đã quá tải và được xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Khu tập kết rác này chỉ đủ chỗ chứa đến cuối năm 2022. Từ năm 2000, huyện đã có quy hoạch nhà máy xử lý rác thải với quy mô lên đến 30 ha trên địa bàn xã Vạn Khánh để phục vụ cho huyện và Khu Kinh tế Vân Phong.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai do khó khăn về nguồn vốn. “Huyện đang làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong để sớm tháo gỡ. Trước mắt, HĐND huyện đã có nghị quyết về việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, sinh hoạt tại khu vực xã Vạn Khánh với tổng kinh phí khoảng 7 tỉ đồng, dự kiến triển khai xây dựng vào cuối năm 2021” – ông Khiêm cho biết.

Tương tự, tại huyện Cam Lâm, sau sự cố cháy bãi rác Dốc Đỏ, cả thị trấn Cam Đức không có nơi đổ rác. Chính quyền địa phương phải xin đổ rác tạm ở các xã khác nhưng nay phải chuyển vị trí đổ rác về tổ dân phố Yên Hòa 2 do các xã không cho đổ nhờ. Dự kiến đến tháng 10-2021 sẽ không còn chỗ để xử lý chôn lấp do khu vực xử lý rác này quá nhỏ, ước tính khối lượng rác không thể xử lý là 1.130 tấn.

Để giải quyết khó khăn, UBND huyện Cam Lâm sẽ vận chuyển lò đốt rác đang bỏ hoang tại bãi rác Dốc Đỏ về thị trấn Cam Đức để sửa chữa, vận hành nhằm giảm áp lực cho thị trấn.

Nhà máy thử nghiệm xong là “đắp chiếu”

Tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nơi có khoảng 400 tấn rác thải ra môi trường hằng ngày, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Đinh Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng – đơn vị vận hành Nhà máy xử lý rác Phan Thiết, cho biết sau thời gian chạy thử nghiệm từ tháng 7-2020 đến cuối năm 2020, nhà máy này không tiếp tục hoạt động. Theo ông Hà, lý do là TP Phan Thiết chưa bố trí được nguồn kinh phí để chi trả cho đơn vị vận hành và các kỹ sư ngoài tỉnh chưa thể đến Bình Thuận do giãn cách xã hội để điều hành hoạt động nhà máy.

Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 495 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 10 ha tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành. Công trình có công suất xử lý 400 tấn rác thải/ngày, giải quyết cơ bản rác thải tại TP Phan Thiết. Nhà máy sử dụng lò đốt công nghệ Liên bang Nga và hệ thống điều khiển tự động của Nhật Bản bằng việc tái chế rác thải sinh hoạt mỗi ngày để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và tái sử dụng plastic hỗn hợp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác.

Việc Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết tạm dừng hoạt động khiến lượng rác thải của TP đổ về bãi rác Bình Tú (xã Tiến Thành) làm cho tình trạng quá tải rác càng nghiêm trọng. Bãi rác Bình Tú rộng 26 ha đã có phương án đóng cửa nhưng vẫn đang phải tiếp nhận khoảng 400 tấn rác/ngày, trong đó bao gồm 60 tấn rác từ khu du lịch Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài. “Trước đây, TP đã có chủ trương xây dựng Nhà máy Xử lý rác Bắc Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp. Tuy nhiên, sau này có dự án xây dựng sân bay Phan Thiết gần đó, cũng như ảnh hưởng một số yếu tố khác nên các bên phải tính toán tìm vị trí khác” – đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết cho biết.

Theo báo nld.com.vn

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 5 Trung bình: 4.6]

Tags

Leave a Reply

Your email address will not be published.

top